Quảng Trị | Quan tâm tháo gỡ vướng mắc để sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 12 hộ dân ở huyện Hải Lăng

Từ năm 2008 – 2013, tại địa bàn các xã: Hải Phú, Hải Thượng, Hải Lâm, huyện Hải Lăng triển khai thực hiện các dự án: công trình đường Phú Lệ B; công trình Nhà thờ La Vang; công trình mở rộng Quốc lộ 1, đoạn đi qua huyện Hải Lăng. Khi được chính quyền địa phương vận động, nhiều hộ dân đã tự nguyện bàn giao mặt bằng, di dời đến nơi tái định cư để thực hiện các dự án. Tuy nhiên, 14 năm trôi qua, 12 hộ vẫn chưa được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất.

14 năm chưa được cấp giấy CNQSD đất

Nhà của ông Nguyễn Hướng (58 tuổi), ở Đội 4, thôn Phú Hưng, xã Hải Phú nằm đối diện đường Phú Lệ B. Nhìn ra con đường thảm nhựa rộng rãi phía trước nhà, ông Hướng kể: “Năm 2009, sau khi nghe chính quyền các cấp vận động di dời để thực hiện dự án công trình đường Phú Lệ B, gia đình tôi tự nguyện bàn giao 300 m2 đất mặt tiền. Trên diện tích ấy có 1 căn nhà cấp 4 và nhà đặt máy xay xát lúa. Lúc bấy giờ, gia đình tôi được chính quyền địa phương bồi thường 215 triệu đồng và cấp lại một mảnh đất có diện tích 300 m2 tại khu vực La Vang Cồn Thành. Vị trí này cách nhà cũ của tôi khoảng 1 km”.

14 năm qua, mảnh đất của gia đình ông Nguyễn Hướng (bên phải) và gia đình bà Nguyễn Thị ThuThạnh (bên trái) chưa được cấp giấy CNQSD đất – Ảnh: TRẦN TUYỀN

Từ đó đến nay, vợ chồng ông Hướng nhiều lần làm đơn kiến nghị lên chính quyền các cấp nhưng mảnh đất tái định cư của gia đình vẫn không được cấp giấy CNQSD đất. Đất không có giấy CNQSD, số tiền được bồi thường cũng không đủ để làm nhà mới nên vợ chồng ông Hướng phải vay mượn người thân để mua 1 miếng đất gần đó làm nhà ở.

“Việc không được cấp giấy CNQSD đất làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của gia đình tôi. Tôi muốn thế chấp để vay vốn hay tặng cho con cháu đều không thể được. Năm 2018, gia đình tôi dự định mở mang cơ sở sản xuất, làm trang trại nhưng vì đất không được cấp giấy CNQSD đất nên gia đình tôi không thể thế chấp để vay vốn ngân hàng được. Nếu có giấy tờ đầy đủ, mảnh đất này đem thế chấp ngân hàng cũng vay được 200 – 300 triệu đồng”, ông Hướng bức xúc nói.

Vợ chồng ông Hướng cho biết thêm, vào năm 2021, khi làm hồ sơ xin cấp giấy CNQSD đất thì một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hải Lăng phản hồi rằng, để được cấp giấy CNQSD đất, gia đình phải nộp tiền sử dụng đất theo giá đất hiện nay, khoảng 260 triệu đồng. Số tiền này chênh lệch quá cao so với mức 215 triệu đồng mà gia đình ông được bồi thường vào năm 2009.

Cạnh mảnh đất của ông Nguyễn Hướng là ngôi nhà 2 tầng khang trang của bà Nguyễn Thị Thu Thạnh (56 tuổi). Mặc dù đã xây dựng nhà ở kiên cố, kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ trên mảnh đất được giao tái định cư nhưng 14 năm qua, gia đình bà Thạnh vẫn chưa được cấp giấy CNQSD đất.

“Mảnh đất cũ của gia đình tôi có diện tích 1.826 m2 , được cấp giấy CNQSD đất vào năm 2007. Trên diện tích này, tôi xây dựng ngôi nhà ở hai tầng, 15 phòng trọ khép kín, quán ăn và bán hàng lưu niệm.

Năm 2009, UBND huyện Hải Lăng thu hồi đất của gia đình tôi để triển khai thực hiện dự án công trình Nhà thờ La Vang. Gia đình tôi tự nguyện di dời, bàn giao mặt bằng và nhận số tiền bồi thường 1,25 tỉ đồng. Sau đó, gia đình tôi được cấp lại mảnh đất có diện tích 450 m2 ”, bà Thạnh nói.

Sau khi được giao đất nhưng không được cấp giấy CNQSD đất, gia đình bà Thạnh phải mượn giấy CNQSD đất của em trai để thế chấp, vay vốn ngân hàng làm nhà ở và kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ. Bà Thạnh đã nhiều lần kiến nghị chính quyền các cấp nhưng vẫn chưa được cấp giấy CNQSD đất.

Cách đó khoảng 3 km là mảnh đất tái định cư của gia đình chị Nguyễn Thị Liên (45 tuổi), ở Đội 1, thôn Phú Hưng. Cũng vào năm 2009, chị Liên tự nguyện di dời nhà cửa, bàn giao mặt bằng cho chính quyền địa phương với diện tích đất khoảng 400 m2.

Sau đó, gia đình chị được chính quyền bồi thường hơn 250 triệu đồng và cấp một mảnh đất có diện tích 300 m2 , thuộc Đội 3, thôn Phú Hưng.

“Vì không được cấp giấy CNQSD đất, số tiền được bồi thường cũng không đủ để xây nhà mới nên tôi mượn tạm mảnh đất của bố mẹ chồng để dựng căn nhà tạm. Hiện, căn nhà cấp 4 này cũng đã xuống cấp rồi.

Chúng tôi tin tưởng, chấp hành chủ trương của Nhà nước nên mới giao đất, chuyển đến khu tái định cư sinh sống. Việc chậm trễ cấp giấy CNQSD đất làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân. Vì vậy, chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm cấp giấy CNQSD đất để yên tâm sinh sống, làm ăn”, chị Liên chia sẻ.

Nguyên nhân chậm trễ trong việc cấp giấy CNQSD đất

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Trị, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Lê Đức Thịnh cho hay, từ năm 2008 – 2013, trên địa bàn các xã Hải Phú, Hải Thượng, Hải Lâm có nhiều gia đình thuộc diện giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư của 3 dự án: công trình đường Phú Lệ B, công trình Nhà thờ La Vang và công trình mở rộng Quốc lộ 1, đoạn đi qua huyện Hải Lăng.

Khi thực hiện các công trình này, mặc dù chưa có phương án bố trí tái định cư và chưa có quyết định giao đất của UBND huyện, nhưng do yêu cầu bức thiết về đất ở của các hộ dân lúc bấy giờ nên địa phương đã giao đất cho người dân để xây dựng nhà ở. Vì vậy, nhiều năm qua không đủ cơ sở để cấp giấy CNQSD đất cho 12 hộ dân thuộc 3 xã trên.

Lý do nữa gây khó khăn trong việc cấp giấy CNQSD đất cho người dân là thiếu sự phối hợp giữa UBND các xã với các cơ quan chuyên môn, phòng, ban liên quan và UBND huyện sau khi GPMB. Lý do thứ ba, hiện nay giá đất ở vị trí được bố trí tái định cư của một số hộ tăng nhiều lần nên ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân khi thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Tìm phương án có lợi nhất để tháo gỡ vướng mắc cho người dân

Ông Lê Đức Thịnh cho biết: “Người dân vì sự phát triển của quê hương, tự nguyện di dời nhà cửa, bàn giao mặt bằng mà nay vẫn chưa được cấp giấy CNQSD đất là thiệt thòi lớn. Đây là lỗi của chính quyền nhiệm kỳ trước nên hiện nay chúng tôi đang cố gắng tháo gỡ. Quan điểm của huyện là sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho người dân nhưng vẫn phải đảm bảo đúng quy định pháp luật”.

Khi được hỏi về giải pháp, ông Thịnh cho hay, huyện Hải Lăng đã tổ chức nhiều phiên họp, có sự tham gia của Cục Thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính… để tìm cách tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc, cấp giấy CNQSD đất cho người dân. Theo quy định thì không thể hồi tố được khung giá đất trước đây để phê duyệt, mà người dân phải nộp theo khung giá hiện hành.

Vì vậy, phương án tối ưu và hiệu quả nhất cho các hộ dân mà huyện và các sở, ngành thống nhất là lập hồ sơ giao đất theo hiện trạng các hộ đang sử dụng. Đồng thời áp dụng giá đất theo bảng giá giai đoạn 2020 – 2024 theo Quyết định số 49/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh với hệ số điều chỉnh giá đất K=1 (mức thấp nhất) để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

“Hiện nay, phương án này đã được trình UBND tỉnh. Sau khi UBND tỉnh đồng ý thì chúng tôi sẽ triển khai các bước để tiến hành cấp giấy CNQSD đất cho người dân. Một số thửa đất sẽ có giá cao hơn so với trước đây, vì vậy những hộ này sẽ chịu thiệt thòi. Tuy nhiên, đây là phương án có lợi nhất cho người dân, đồng thời đảm bảo đúng quy định của pháp luật”, ông Thịnh nói.

Trần Tuyền | Báo Quảng Trị (Đăng ngày 18/12/2023)


Xin chào!

Chào mừng các bạn đến với trang cá nhân của Văn Ngọc Sơn, một người khởi nghiệp uống Cà phê Thơm, xây dựng thương hiệu và thích du lịch.

About & Work | Contact | Pay