Có thể bạn chưa biết: 15 pho tượng đầy nhiệm màu có giá trị nghệ thuật bậc nhất tại La Vang

Một quần thể điêu khắc có giá trị nghệ thuật vào bậc nhất trong lịch sử điêu khắc ở Việt Nam nhưng ít được biết đến nằm trong khuôn viên nhà thờ La Vang.

Nhà thờ La Vang ngày nay là trung tâm hành hương quan trọng nhất của người công giáo Việt Nam và cũng là điểm đến tham quan du lịch không thể thiếu trong các tour du lịch miền trung. Nhà thờ La Vang toạ lạc tại thôn Phú Hưng, xã hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Quần thể 15 bức tượng tại quảng trường Mân Côi

Quần thể tượng ở thánh địa này là công trình sáng tạo của điêu khắc gia Lê Ngọc Huệ (còn gọi là Bernard Huệ, sinh năm 1936 ở Huế). Khi ấy Lê Ngọc Huệ mới tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Montpeller (Pháp), đang là giáo sư Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Ông cùng với mấy sinh viên khoa điêu khắc tuy ít nhưng tài ba và sau này họ trở thành những tên tuổi như Mai Chửng, Lê Tài Điển, Trần Văn Danh… Thầy trò cùng chung sức thực hiện trong khoảng thời gian hơn hai năm từ 1961 tới 1963 thì gần như hoàn tất.

Quần thể tượng gồm 15 pho đặt trên bệ, chất liệu tổng hợp từ xi măng trắng, nằm dọc cân xứng hai bên đường lát đá và rải thảm cỏ từ cổng tam quan đi vào trong khuôn viên Công trường Mân côi. Diện tích công trường 30 x 480 mét.

Giai thoại ra đời thú vị

Dân Quảng Trị là những người mộc mạc, quê mùa. Mỗi khi đi viếng Mẹ, làm thế nào để họ có thể cầu nguyện trước những bức tượng “một hòn, một cục” được. Người dân quê cần những bức tượng theo lối tả chân để họ có thể hiểu mà để tâm cầu nguyện.

Một giai thoại thú vị về Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục, lúc đó đã 64 tuổi đang cai quản Giáo phận Huế bao gồm cả Quảng Trị với Giáo sư Điêu khắc Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế Lê Ngọc Huệ còn rất trẻ, mới 25 tuổi từ Pháp về:

“Khi vị điêu khắc gia trình Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục mô hình các bức tượng Mười Lăm Sự Mầu Nhiệm thì ngài bác ngay. Ngài lấy lý do dân Quảng Trị là những người mộc mạc, quê mùa. Mỗi khi đi viếng Mẹ, làm thế nào để họ có thể cầu nguyện trước những bức tượng “một hòn, một cục” được. Người dân quê cần những bức tượng theo lối tả chân để họ có thể hiểu mà để tâm cầu nguyện.

Vị điêu khắc gia đã mất một thời gian khá dài để thuyết phục Đức Tổng. Vì đây là một công trình nghệ thuật tôn giáo quan trọng và lớn lao. Những bức tượng lập khối có những ý nghĩa nhất định…

Tượng Mẹ Lên Trời, tà áo Mẹ phồng lên như có gió thổi để chỉ Mẹ được nâng lên trời, cả hồn lẫn xác. Trong khi tượng Chúa Lên Trời thì tự nhiên. Những bắp thịt trên vai của tượng Chúa Ngã Xuống Đất căng lên sức nặng của tội lỗi con người, nhưng khuôn mặt Chúa thì vẫn bình thản, thương yêu…

Nghe lời giải thích hợp lý, Đức Tổng đồng ý với điều kiện là trước mỗi bức tượng, ghi những chú giải cần thiết để người dân dễ hiểu. Vị điêu khắc gia từ chối quyết liệt, vì như vậy còn gì là nghệ thuật nữa. Đức Tổng cuối cùng chịu thua, chấp thuận”.

Qua sự kiện này, Huỳnh Hữu Uỷ nhà phê bình Nghệ thuật Tạo hình Việt Nam đã phát biểu: “Tôi lấy làm lạ là một người như Cha Ngô Đình Thục, quen với bầu không khí nghệ thuật cổ điển của Vatican mà lại chấp nhận được những pho tượng trừu tượng biểu hiện ấy của Lê Ngọc Huệ. Âu cũng là một cái may lớn cho chúng ta.



Cuộc cách tân về tư duy điêu khắc 

Về mặt nghệ thuật, nhóm tượng La Vang lần đầu tiên mang phong cách hiện đại trừu tượng vào điêu khắc hiện đại Việt Nam, mà ở đây là sự kết hợp những khối hình học được tinh giản và cách điệu hoá, đạt tới mức vừa trừu tượng vừa cụ thể, cũng là trào lưu của nghệ thuật hiện đại phương Tây, vốn trở về việc tái tạo nghệ thuật nguyên thuỷ của các nền văn hoá. Tuy vậy, quần thể tượng vẫn chủ ý giữ tính tượng trưng và biểu hiện để gần gũi với quần chúng hơn.

Điều đáng kể ở đây, không chỉ có sự cách điệu hình khối, Lê Ngọc Huệ đã nỗ lực đem đường nét vào trong điêu khắc để tạo hiệu quả về bóng sáng tối giữa các mảng hoặc khối với tiết điệu đầy thi vị, vừa như phương tiện dẫn dắt thị giác tập trung vào ý nghĩa hàm súc trong từng pho tượng khi chiêm ngắm.

Chủ đề 15 pho tượng của điêu khắc gia Lê Ngọc Huệ tương ứng với sự chiêm ngắm 15 Mầu Nhiệm Mân Côi gồm: Năm sự Vui, Năm sự Thương, và Năm sự Mừng. Chủ đề này đặc biệt thích hợp cho thánh địa sùng bái Thánh Mẫu.

Mười lăm sự mầu nhiệm Mân Côi

Mân Côi / Rosary nghĩa là “vòng hoa hồng”, mỗi lời kinh Kính mừng Ave Maria như một đoá hồng xinh đẹp sẽ kết thành một Tràng Hoa dâng lên Đức Mẹ. Đọc kinh Kính mừng là sự chiêm nghiệm theo trình tự những mầu nhiệm hay sự kiện chính trong cuộc đời, sự thương khó, cái chết, và vinh quang của Chúa Giêsu và sự tham dự của Mẹ ngài là Maria.

Trong kinh nguyện Mân Côi đọc mỗi ngày, 15 mầu nhiệm được chia thành 3 bộ, mỗi bộ trong đó lại có 5 đề tài khác nhau để chiêm nghiệm (mỗi đề tài được đọc bằng mười bài kinh Kính mừng). Để bổ sung vào những mầu nhiệm chiêm ngắm này, trong đó người ta lại phối hợp chúng với các đức tính gương mẫu với từng mầu nhiệm (như tính khiêm nhường, bác ái, nghèo khó, thanh sạch…).

Dựa vào đó, mỗi “bộ” về hình thể điêu khắc súc tích được cái ý tưởng cốt yếu của từng đề tài:

1. Năm sự vui: Chiêm ngắm những khoảnh khắc trong đời Đức Mẹ Maria, đây là những đề tài giàu cảm xúc và thân thiết, như trong cảnh thiên thần truyền tin hoặc tình cảm giữa người nữ với nhau, việc sinh đẻ, tình mẹ con. Điêu khắc chủ yếu dùng những bố cục và đường nét cong đầy nữ tính, hình khối tròn mềm mại hài hoà khi vận dụng đường uốn lượn nhịp nhàng của cử động và y phục.

2. Năm sự thương: loạt tượng này chủ yếu dùng những mẫu khối hình học lập thể táo bạo và mãnh liệt thật thích hợp để diễn tả nỗi khắc khoải và thống khổ vừa trong nội tâm và thể xác của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn, như cảnh cầu nguyện trong vườn cây dầu, cảnh thụ hình và chịu đóng đinh.

3. Năm sự mừng: là những đề tài hân hoan, thăng hoa và tôn vinh. Hình khối điêu khắc từ đây ít tính khắc khổ, ngoại trừ pho “Chúa Giêsu sống lại” vẫn giữ phong cách lập thể và biểu hiện để thống nhất với Năm sự Thương, các pho còn lại trở về với hình khối mang tính tượng trưng với đường nét tròn đầy của nữ tính để diễn tả trạng thái viên mãn, nhất là với các bức thể hiện Đức Mẹ.

Đánh giá: Công trình nghệ thuật quan trọng, dù ít người biết 

Lê Ngọc Huệ từng ở trong uỷ ban chuyên môn về mỹ thuật trong cuộc Triển lãm Mỹ thuật đệ nhất, gồm 22 quốc gia, tổ chức tại công viên Tao Đàn, Sài Gòn vào tháng 10/1962. Tại cuộc triển lãm này, Lê Ngọc Huệ và Điềm Phùng Thị là hai nhà điêu khắc quan trọng nhất của Việt Nam được mời gởi tác phẩm. Cả hai ngẫu nhiên trùng phùng qua hình tượng trụ cột tâm linh hướng tới những khát vọng hoà bình, gia đình và tổ tiên: Lê Ngọc Huệ với Trụ cột hòa bình, Điềm Phùng Thị với Trụ thần vật,ví như những trụ vật tổ (totem poles) hay trụ tượng nhà mồ Tây Nguyên ngày đêm đứng canh giữ giữa cõi sống và cõi bên kia là nơi cư ngụ của tổ tiên. Chúng ta hầu như không có thông tin về hoạt động nghệ thuật của nhà điêu khắc Lê Ngọc Huệ kể từ sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm năm 1963, ông đã sang Pháp sau đó.

Tác phẩm của Lê Ngọc Huệ để lại tuy chỉ trong một giai đoạn ngắn nhưng có những giá trị đóng góp lâu dài đối với nghệ thuật điêu khắc hiện đại Việt Nam

Tác phẩm của Lê Ngọc Huệ để lại tuy chỉ trong một giai đoạn ngắn nhưng có những giá trị đóng góp lâu dài đối với nghệ thuật điêu khắc hiện đại Việt Nam. Quần thể tượng là 15 đóa hồng mầu nhiệm chất chứa nhiều trạng thái cảm xúc từ bi tráng đến thăng hoa của con người, vượt cảnh giới thế tục qua sự cứu chuộc của tôn giáo và nghệ thuật, và nằm trong một không gian và thời gian kết tinh của tâm linh qua những thăng trầm của lịch sử.

Chiêm ngưỡng công trình “15 mầu nhiệm Mân Côi” ở La Vang

Nhóm 1: NĂM SỰ VUI

Vui 1- Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ chịu thai. – Ảnh: VNS
Vui 2 – Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ chịu thai. – Ảnh: VNS
Vui 3 – Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu. Ảnh: VNS
Vui 4 – Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào đền thánh. Ảnh: VNS
Vui 5 – Đức Mẹ tìm được Chúa Giêsu trong đền thánh. Ảnh: VNS

Nhóm 2: NĂM SỰ THƯƠNG

Thương 1 – Chúa Giêsu cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu.
Thương 2 – Chúa Giêsu chịu đánh đòn.
Thương 3 – Chúa Giêsu chịu đội mão gai.
Thương 4 -Chúa Giêsu chịu vác thánh giá.
Thương 5 – Chúa Giêsu chịu chết trên cây thánh giá.

Nhóm 3: NĂM SỰ MỪNG

Mừng 1 – Chúa Giêsu sống lại.
Mừng 2 – Chúa Giêsu lên trời.
Mừng 3 – Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Mừng 4 – Đức Mẹ hồn xác lên trời.
Mừng 5 -Đức Mẹ được tôn vinh trên trời
Nhà thờ La Vang – Ảnh: VNS

Văn Ngọc Sơn

Bài viết sử dụng tài liệu lưu trữ nhiều nguồn. Các bạn muốn ảnh có độ phân giải lớn hơn vui lòng liên hệ để nhận ảnh.


Xin chào!

Chào mừng các bạn đến với trang cá nhân của Văn Ngọc Sơn, một người khởi nghiệp uống Cà phê Thơm, xây dựng thương hiệu và thích du lịch.

About & Work | Contact | Pay